Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014


Nguồn gen vi sinh vật trồng trọt (đất, phân bón)

Nguồn gen vi sinh vật có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển công nghệ sinh học. Đây là nguồn vật liệu khởi đầu cho các kỹ thuật di truyền, công nghệ vi sinh và công nghệ lên men. Cho đến nay người ta đã biết hầu hết các loài động vật và 95% các loài thực vật trên trái đất, nhưng với vi sinh vật thì mới biết chưa đến 10%. Như vậy nguồn gen vi sinh vật vẫn ẩn chứa một tiềm năng to lớn mà con người vẫn chưa có khả năng làm chủ và khai thác.
Công tác lưu giữ và bảo tồn nguồn gen vi sinh vật có một ý nghĩa lớn trong mọi phòng nghiên cứu và trong công nghệ vi sinh. Công tác này không chỉ đơn thuần giữ chủng giống trên một vài môi trường thông thường mà phải làm thế nào để giống sống và giữ được những đặc tính ban đầu, do đó  tương đối phức tạp và khó khăn.
            Bảo tồn nguồn gen vi sinh vật không chỉ đơn thuần tập trung nghiên cứu tìm ra phương pháp bảo quản thích hợp cho từng nhóm vi sinh vật cụ thể (không có phương pháp bảo quản chung cho mọi chủng vi sinh vật) mà những hoạt động nghiên cứu ở đây phải triển khai cả bề rộng lẫn bề sâu (phân lập, tuyển chọn các chủng vi sinh vật, phân loại, nghiên cứu các đặc tính sinh học và khai thác sử dụng).
            Nhận thức được vai trò của công tác bảo tồn nguồn gen vi sinh vật nông nghiệp, từ năm 1994 Nhà nước đã đầu tư kinh phí cho nhiệm vụ này. Nhiệm vụ “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật trồng trọt” được thực hiện hàng năm, do Bộ môn Vi sinh vật - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam (nay là Viện Thổ nhưỡng Nông hoá) chủ trì.
Mục tiêu của bảo tồn và lưu giữ nguồn gen gồm: Bảo tồn và lưu giữ, phân lập, bổ sung đánh giá, tư liệu hóa, cung cấp và trao đổi thông tin; góp phần khai thác và phát triển nguồn gen vi sinh vật trồng trọt (đất, phân bón).
Từ điểm khởi đầu, Quỹ gen vi sinh vật trồng trọt (đất, phân bón) chỉ gồm khoảng 30 nguồn gen, chủ yếu có hoạt tính cố định nitơ. Đến nay, Quỹ gen vi sinh vật trồng trọt (đất, phân bón) lưu giữ thường xuyên 692 nguồn gen vi sinh vật; bao gồm vi khuẩn (Azotobacter, Azospirillum, Athrobacter, Acacia, Agrobacterium, Bacillus, Bradyrhizobium, Flavobacterium, Klebsiella, Enterobacter, Pseudomonas, Burkholderia, Lactobacterium, Xanthomonas, Serratia, Paenibacillus), xạ khuẩn (Steptomyces), nấm men (Saccharomyces, Candida, Rhodotorula, Debaryomyces, Haseniaspora, Lipomyces) và nấm sợi (Aspergillus, Chetomium, Fusarium, Gibberella, Penicillium, Macrophomia, Trichoderma, Tularomyces). Nguồn gen vi sinh vật trồng trọt được thu thập, phân lập từ các mẫu đất, mẫu cây, mẫu ủ, ... được thu thập từ các vùng trong cả nước và được nhập nội từ nhiều nước trên thế giới (Anh, Ấn Độ, Đài Loan, Đức, Mỹ, LB Nga, Pháp, Thái Lan, Tiệp, ...). Nguồn gen vi sinh vật trồng trọt có nhiều hoạt tính sinh học có giá trị trong sản xuất phân bón và chế phẩm vi sinh vật như: Khả năng cố định ni tơ, phân giải phốt phát khó tan, phân giải silicat, phân giải xenlulo, ức chế bệnh, kích thích sinh trưởng thực vật, sinh chất giữ ẩm polysaccarit, lên men lactic, lên men rượu, ...
Nguồn gen vi sinh vật trồng trọt là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu và triển khai các đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp Nhà nước; cung cấp vật khởi đầu cho các nghiên cứu và sản xuất phân vi sinh vật, phân hữu cơ vi sinh vật, chế phẩm vi sinh vật bảo vệ thực vật, chế phẩm vi sinh vật xử lý phế thải, chế phẩm vi sinh vật xử lý nước thải, ... Nhiều sản phẩm khoa học được được công nhận là tiến bộ kỹ thuật (phân bón vi sinh vật Nitragin, Azogin, phân lân vi sinh, phân vi sinh vật hợp cố định nitơ, phân giải lân, phân bón vi sinh vật đa chủng, chức năng, men ủ vi sinh vật, ...),  đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều địa phương trong cả nước có nguồn gốc từ  Quỹ gen vi sinh vật trồng trọt.
            Có thể nói nguồn gen vi sinh vật trồng trọt (đất, phân bón) là tài sản vô cùng quí báu, cần được bảo tồn, lưu giữ, phân lập, thu thập bổ sung và khai thác sử dụng nhằm góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, có hiệu quả.

Tham khảo Thư viện nguồn gen của Bộ môn Vi Sinh Vật tại đây.

Yêu cầu chuyển/nhận nguồn gen vi sinh vật tại đây.






1 nhận xét :