Một công bố mới đây của Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN-PTNT cho thấy chỉ riêng tiền nhập hạt giống rau các loại, Việt Nam chi đến nửa tỉ USD mỗi năm để nhập khẩu từ nước ngoài.
90% giống rau quả của Việt Nam là nhập khẩu từ nước ngoài - Ảnh: D.Đ.M
Cụ thể năm 2013, Việt Nam đã chi ra 500 triệu USD để nhập khẩu 8.000 tấn hạt giống các loại nhằm cung ứng cho 700.000 ha sản xuất rau của cả nước.
“Bầu bí, dưa leo, đậu bắp, khổ qua, cà chua... có khó để làm đâu nhưng Việt Nam vẫn phải nhập”, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Giáo sư Bùi Chí Bửu nhận xét. Rau là mặt hàng dễ trồng, sức tiêu thụ cao và mang lại lợi nhuận không nhỏ, nhưng theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, có đến 90% giống rau quả hiện đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Không chỉ rau, nhiều giống lúa lai, ngô lai đang được gieo trồng trong nước cũng đều phải nhập khẩu.
"Bầu bí, dưa leo, đậu bắp, khổ qua, cà chua... có khó để làm đâu nhưng Việt Nam vẫn phải nhập." Giáo sư Bùi Chí Bửu
Tổng giám đốc một tập đoàn thương mại Mỹ có trụ sở đặt tại Việt Nam cho biết: Chỉ riêng Tập đoàn Syngenta của Thụy Sĩ, trung bình mỗi năm bán ra thị trường Việt Nam hơn 1 tỉ USD tiền hạt giống các loại. Giáo sư Bùi Chí Bửu ước tính tỷ lệ giống ngô lai Việt Nam nhập là 90% và nhập 70 - 80% giống lúa lai.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhiều năm qua, ở miền Nam đã nghiên cứu và đã chủ động được giống lúa lai, không còn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài nữa, nhưng với miền Bắc, số giống lúa lai nhập còn rất cao. “Theo tôi được biết, 70% giống lúa lai hiện được cung ứng cho thị trường phía bắc phải nhập khẩu hoàn toàn, nhiều nhất là từ Trung Quốc. Các hạt giống rau cải cũng chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Mỹ...”, Giáo sư Võ Tòng Xuân nói.
Là quốc gia đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo nhưng giống lúa phải nhập với số lượng quá lớn, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, đây là thiệt thòi lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo thông tin từ Hiệp hội Thương mại giống cây trồng miền Nam, hiện các viện nghiên cứu, doanh nghiệp chỉ làm chủ được khoảng 5 - 10 loại giống như lúa, ngô, cao su, cà phê, tiêu...
Cái gì nghiên cứu xong, giá thành cũng cao
Theo TS Lê Hưng Quốc, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, nguyên Cục trường Cục Trồng trọt, do trình độ nghiên cứu của ta còn thấp, nên việc sở hữu được gien đã là quý đối với khoa học nghiên cứu về giống của Việt Nam chứ chưa nói đến giống. Ông Quốc phân tích, sở dĩ chúng ta phải nhập khẩu nhiều hạt giống do chúng ta chưa có khả năng tạo ra các tổ hợp bố mẹ. Đơn cử việc nhập khẩu giống ngô lai, lúa lai chỉ được sử dụng và phát triển trong vài năm, sau đó sẽ bị thoái hóa và tiếp tục nhập khẩu tiếp, như một vòng luẩn quẩn. Để có thể chủ động một số giống cây trồng, giảm tần suất phụ thuộc quá nhiều vào hạt giống ngoại nhập, toàn ngành nông nghiệp sớm rà soát và thống kê toàn bộ các loại giống cây, phân chia loại nào cần nhập, loại nào có thể đầu tư nghiên cứu chuyên sâu.
Thực tế, ở phía bắc, theo Giáo sư Xuân, Phó giáo sư - TS Nguyễn Thị Trâm được coi là “mẹ đẻ” của nhiều giống lúa mới của Việt Nam. Năm 2008, TS Trâm đã nghiên cứu thành công một giống lúa lai và bản quyền sau đó được chuyển nhượng lại cho một doanh nghiệp ở Nam Định với trị giá 10 tỉ đồng. Nhưng lẽ ra các công ty mua chuyển giao phải tận dụng để đầu tư nghiên cứu chuyên sâu cho ra các giống lai mới mang tính vượt trội, chứ dừng lại ở mức mua bán một loại giống, một thời gian ngắn sau cũng sớm bị cũ đi.
Dù vậy Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng thừa nhận: “Kẹt một cái là cái gì chúng ta làm cũng có giá thành cao hơn người ta. Do nghiên cứu ở Việt Nam làm trong môi trường quá sơ sài”. Giáo sư Xuân nhận xét thêm: “Chi phí nghiên cứu lúc này quá cao, nên chúng ta chọn giải pháp nhập... Chỉ không bình thường khi chúng ta bỏ nhiều tiền của, dùng ngân sách không giới hạn để chi đầu tư và làm theo kiểu phong trào để báo cáo thành tích để rồi những nghiên cứu đó không áp dụng thực tế được, như vậy là lãng phí, không bình thường và chứng tỏ năng lực có vấn đề”.
Nguyên Nga/ Báo Thanh Niên
0 nhận xét :
Đăng nhận xét